Quyền Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bộ Tư lệnh Cảnh vệ

Sáng 16/2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (16/2/1953-16/2/2023) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ III.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương...

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Ảnh: VPCTN

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, chiến công xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân đã nỗ lực đạt được trong suốt 70 năm qua.

Theo Quyền Chủ tịch nước, trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, rất phức tạp và khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các bên, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng và các thách thức an ninh phi truyền thống khác nổi lên ngày càng gay gắt, tác động tiêu cực đến từng quốc gia cũng như toàn cầu. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bên cạnh đó, do yêu cầu công tác, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra ngày càng nhiều ở cả trong nước và nước ngoài. Với vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế và môi trường hòa bình, ổn định, Việt Nam có nhiều lợi thế để đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, tiếp đón các đoàn khách nước ngoài sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VPCTN

Bối cảnh đó đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi lực lượng Cảnh vệ tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, góp phần cùng lực lượng Công an nhân dân thực hiện tốt trọng trách được giao. Quyền Chủ tịch nước yêu cầu lực lượng Cảnh vệ tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Chấp hành nghiêm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và sự giám sát của nhân dân đối với lực lượng Cảnh vệ.

Đồng chí đề nghị lực lượng thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Quyết tâm xây dựng Đảng bộ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ “mẫu mực, đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên”. Tiếp tục thực hiện thật tốt Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và lời dạy của Bác đối với lực lượng Cảnh vệ.

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, nhận diện, đánh giá toàn diện, tổng thể từ sớm, từ xa những nguy cơ đe dọa gây mất an ninh, an toàn để tham mưu với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an các chủ trương, giải pháp chiến lược về công tác cảnh vệ. Tập trung công tác phòng ngừa, khả năng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ, không để bị động bất ngờ, sai sót dù là nhỏ nhất.

Quyền Chủ tịch nước trao bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Ảnh: VPCTN

Quyền Chủ tịch nước cũng đề nghị cần tập trung xây dựng lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực công tác, tinh thông, sắc bén về nghiệp vụ; vừa bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ; vừa giữ gìn, bảo vệ hình ảnh, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tăng cường quan hệ phối hợp các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp; dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác cảnh vệ; mở rộng, nâng chất nhiệm vụ hợp tác quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ công tác cảnh vệ, đủ sức ứng phó với các vấn đề an ninh mới, tội phạm mới...

Tại buổi lễ, diễn văn kỷ niệm do Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Thiếu tướng Trần Hải Quân nêu rõ: Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, ngày 16/02/1953 (mùng 3 Tết năm Quý Tỵ), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 141/SL thành lập Thứ Bộ Công an.

Theo Sắc lệnh, Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng khẳng định sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng Công an nhân dân và lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân. Từ đây, Cảnh vệ Công an nhân dân là lực lượng chuyên trách thực hiện công tác cảnh vệ; khẳng định vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh vệ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, đánh dấu mốc son ra đời của lực lượng Cảnh vệ Anh hùng.

Biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: VPCTN

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 31/1/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 11-HĐBT về sửa đổi, bổ sung mô hình tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, trong 18 năm, lực lượng Cảnh vệ đã chủ trì, trực tiếp tham gia bảo vệ tuyệt đối an toàn 31.104 cuộc, lượt hoạt động của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ở trong nước và nước ngoài; 2.574 sự kiện đặc biệt quan trọng do Đảng, Nhà nước tổ chức; 1.793 đoàn khách quốc tế có chế độ cảnh vệ đến thăm và làm việc tại Việt Nam; bảo vệ tuyệt đối an toàn khu vực làm việc của: Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội và nơi ở thường xuyên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; hướng dẫn chu đáo, an toàn và trọng thị cho hơn 28 triệu lượt đồng bào trong nước và khách nước ngoài vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nổi bật là bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện cấp quốc gia như: các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các kỳ họp Quốc hội, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội...; bảo đảm an ninh, an toàn các hội nghị quốc tế lớn như: Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp (Hội nghị CC7) năm 1997, Hội nghị cấp cao ASEAN năm 1998, 2010, 2020, Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ V (ASEM 5) năm 2004, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006, năm 2017, Hội nghị Mỹ-Triều năm 2019; bảo vệ tuyệt đối an toàn nguyên thủ các nước lớn đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Nguồn:VPCTN Copy link