Phó Chủ tịch nước phát biểu. Ảnh: VPCTN
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động, là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW. Qua tổng kết cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị, luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/W, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của thành phố góp phần khích lệ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Kinh tế tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao ở trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong rằng, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong quá trình đó, Hà Nội cần phát huy vai trò tích cực của công tác thi đua khen thưởng, những kết đã đạt được, khắc phục hạn chế được chỉ ra.
Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực, toàn hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là thi đua cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt. Thành phố chú trọng tuyên truyền, nhân rộng, tạo sức lan tỏa sâu rộng gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt”, làm cho các phong trào thi đua có sức sống mạnh mẽ trong đời sống xã hội, trở thành hình mẫu cho các địa phương trong cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành uỷ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc . Ảnh: VPCTN
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến rõ nét, thực chất hơn.
Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động. Đặc biệt là các phong trào thi đua gắn với chủ đề thiết thực như: “Đẩy mạnh cải cách hành chính”, “Trật tự văn minh đô thị”, “Vệ sinh, an toàn thực phẩm”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Người tốt, việc tốt”... Một trong những phong trào nổi bật là việc tổ chức Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của thành phố. Đến nay, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp thành phố trao giải cho 394 tác phẩm; khen thưởng 146 tập thể, 104 cá nhân; cùng với đó là 400 gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt được lựa chọn, tuyên truyền và giới thiệu với Trung ương.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, sau Hội nghị, các đơn vị từ thành phố đến cơ sở khẩn trương tổ chức tổng kết Chỉ thị, đánh giá thực chất những kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thiết thực nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu trình bày tham luận cùng chung quan điểm cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố; qua đó, xác định rõ vai trò đặc biệt của công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng bằng giải pháp cụ thể để đưa các phong trào thi đua trở thành động lực phát triển các mục tiêu về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh của từng địa phương, đơn vị...
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc cho rằng, việc tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với chủ đề công tác từng năm. Nội dung, hình thức thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị được giao. Việc thẩm định hồ sơ khen thưởng, nhất là khen thưởng các danh hiệu của Đảng và Nhà nước cho tập thể, cá nhân phải thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng. Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cơ quan phải kiên quyết chống bệnh hình thức, cào bằng...
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VPCTN
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Cờ Thi đua của UBND thành phố; 44 tác giả, nhóm tác giả được nhận Bằng “Sáng kiến Thủ đô”. Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024./.