Hải Dương cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Vĩnh Long chăm lo đời sống giáo viên

Tỉnh Hải Dương đang triển khai, thực hiện đồng bộ đề án “Phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020” và đề án tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh; ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tỉnh Hải Dương đang triển khai, thực hiện đồng bộ đề án “Phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020” và đề án tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh; ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.


 
Sản xuất gốm mỹ nghệ tại Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG 
 
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; công khai, minh bạch cơ chế tài chính, đất đai, chính sách tín dụng để phát triển khu vực kinh tế tư nhân... Để bảo đảm cân đối ngân sách, tỉnh tăng cường quản lý thu ngân sách ngay từ đầu năm; chống thất thu, nợ thuế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế; thực hiện cơ chế điều hành ngân sách linh hoạt, chủ động, tiết kiệm; tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 34 nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 1%. Huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
 
Tỉnh Hải Dương phấn đấu năm 2018, đạt tăng trưởng kinh tế hơn 8%; thu ngân sách nội địa đạt hơn 11.200 tỷ đồng; giá trị thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 141 triệu đồng.
 
* Vĩnh Long quan tâm chăm lo đời sống giáo viên
 
Năm học 2017-2018, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, hoạt động vì lợi ích của đoàn viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên; chú trọng công tác chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên. Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long tập trung đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ công đoàn theo hướng vì đoàn viên, vì người lao động; nâng cao hiệu quả công tác nữ công, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công; tổ chức các chương trình để nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy vai trò trong gia đình và xã hội; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”.
 
Các công đoàn cơ sở trực thuộc quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, phát huy hiệu quả các chương trình, kế hoạch của tổ chức công đoàn; tiếp tục vận động đoàn viên, giáo viên, nhân viên tham gia đóng góp Quỹ xã hội của Liên đoàn Lao động tỉnh, chương trình Tương trợ giáo viên bị bệnh hiểm nghèo và các chương trình an sinh xã hội nhằm kịp thời chăm lo cho gia đình chính sách, cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, tai nạn lao động...
 
Giai đoạn 2012-2017, các cấp công đoàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp các đơn vị tổ chức thăm hỏi cán bộ công đoàn về hưu; vận động toàn ngành quyên góp tương trợ 49 trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên bị bệnh hiểm nghèo với số tiền hơn hai tỷ đồng; tương trợ 180 trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên qua đời với số tiền hơn chín tỷ đồng... Ngoài ra, các công đoàn cơ sở còn tổ chức góp vốn xoay vòng để hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình; tín chấp cho 521 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên vay vốn ngân hàng; thực hiện tốt các chế độ ốm đau, thai sản, chế độ tiền lương, các loại phụ cấp... cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.