Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu. Ảnh: VPCTN
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa Ngài Đại sứ Xa – đi Xa la ma, Trưởng Đoàn ngoại giao,
Thưa các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam,
Thưa các vị khách quý và các bạn,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp gỡ các đồng chí và quý vị đại biểu trong Chương trình kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý, các bạn lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam triệu người như một đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”[1]
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do và độc lập ấy”.
Từ mùa thu Cách mạng năm 1945, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trải qua nhiều cuộc trường chinh vô cùng gian khổ, ác liệt, với sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ Đổi mới, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một lần nữa Nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khó để xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. An sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Việt Nam là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Tài sản vô giá, sức mạnh to lớn để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh chính là tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc. Các giá trị cao đẹp ấy được hun đúc, bồi đắp, giữ gìn và phát huy qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn. Trên con đường hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì đẩy mạnh toàn diện đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn, phát huy những di sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp. Trong tiến trình ấy, Nhân dân luôn ở vị trí trung tâm, là chủ thể, động lực và mục tiêu xuyên suốt của mọi chính sách phát triển.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới từng nói, Việt Nam là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiều trọng trách tại các diễn đàn đa phương, chung tay thực hiện các mục tiêu phát triển, bảo vệ quyền con người và đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình thế giới, được bạn bè quốc tế yêu mến. Trong mỗi chặng đường phát triển của Việt Nam đều in đậm dấu ấn tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ, hợp tác hiệu quả, thiết thực, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè trên thế giới.
Nhân ngày lễ trọng đại của dân tộc, thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn các quốc gia, đối tác và nhân dân tiến bộ trên thế giới đã đồng hành với Việt Nam, dành cho Việt Nam sự yêu mến, tin cậy, sự chia sẻ, hỗ trợ quý báu, góp phần vào những thành tựu của Việt Nam 78 năm qua, để Việt Nam “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2]. Tôi tin rằng, đó là nền tảng vững chắc để chúng ta vun đắp tình hữu nghị và quan hệ hợp tác bền chặt trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Chúng ta đang sống trong một thời đại nhiều biến động và phức tạp, nguy cơ, khó khăn, thách thức và những vấn đề lớn đặt ra cho mỗi quốc gia ngày càng nhiều. Những vấn đề toàn cầu, an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp, đe doạ ổn định và phát triển bền vững. Xung đột và chia rẽ vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, căng thẳng địa chính trị gia tăng, chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế đứng trước nhiều thách thức.
Chúng tôi cho rằng, để gìn giữ hòa bình và thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia, chúng ta cần cùng nhau đoàn kết, thúc đẩy hợp tác; củng cố chủ nghĩa đa phương; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại về các tranh chấp trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; sẽ luôn là người bạn chân thành, thủy chung, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tôi tin rằng, các vị Đại sứ, Đại biện và Trưởng đại diện các Tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục là những nhịp cầu, đại diện tiêu biểu của lòng thiện chí, của sự chân thành, tin cậy, gắn bó, có nhiều đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và các đối tác khác trên toàn thế giới.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Nghệ thuật là ngôn ngữ diệu kỳ đưa con người đến với nhau, kết nối tâm hồn bằng sự rung động của con tim. Những giai điệu âm nhạc trong Chương trình nghệ thuật hôm nay, sẽ mang đến cho các Quý vị và các bạn nhiều cung bậc cảm xúc, tinh thần hòa hiếu, nhân nghĩa từ trong mạch nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã vượt qua thử thách của không gian và thời gian, hòa quyện với tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Một lần nữa xin cảm ơn các đồng chí và quý vị đại biểu đã tới dự Chương trình hôm nay.
Chúc các đồng chí và Quý vị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.