Phát biểu của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở Châu Á (CICA)

Như tin đã đưa, ngày 13/10 vừa qua, tại Thủ đô Astana, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA) lần thứ 6 do Kazakhstan tổ chức. Văn phòng Chủ tịch nước trân trọng giới thiệu toàn văn bài Phát biểu của Phó Chủ tịch nước tại Hội nghị với chủ đề Hướng tới một Châu Á mới trong một thế giới mới”: 

Chú thích ảnh

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

 

Thưa Ngài Tổng thống nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan và các vị Trưởng đoàn,

Thưa Ngài Chủ tịch CICA,

Thưa Quý vị đại biểu,

Thay mặt Nhà nước Việt Nam, tôi vui mừng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh CICA năm 2022. Xin chúc mừng nước chủ nhà Ca-dắc-xtan đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch CICA trong 3 năm qua và trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của Ban tổ chức Hội nghị.

Việt Nam ủng hộ và hoan nghênh việc Nhà nước Cô-oét trở thành thành viên CICA tại Hội nghị này.

Thưa Quý vị, 

Nhân loại đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng của thời đại, trong môi trường an ninh - chính trị - quốc tế phức tạp và bất ổn. Cùng với đó là tác động tiêu cực của các yếu tố an ninh phi truyền thống như: dịch bệnh, các cuộc khủng hoảng về kinh tế, năng lượng, lương thực và biến đổi khí hậu, đã kéo lùi thành quả của nhiều thập kỷ phát triển, làm chậm tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Hàng trăm triệu người, nhất là ở các nước nghèo, đang chịu tác động nặng nề.

Nhiều thập kỷ qua, châu Á đã kiên cường vượt qua những khó khăn, biến động của lịch sử. Châu Á ngày nay đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trung tâm phát triển của thế giới, là giao điểm hội tụ các dòng chảy thương mại, đầu tư, công nghệ, sáng tạo và nhân lực quốc tế, đồng thời cũng là “mái nhà chung” của các quốc gia đa dạng về chế độ chính trị - xã hội, song chia sẻ nguyện vọng chung về hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Nhưng Châu Á ngày nay cũng đang phải chứng kiến những căng thẳng địa chính trị, xung đột, tranh chấp phức tạp, kéo dài làm rạn nứt lòng tin chiến lược và suy giảm việc thực hiện các cam kết quốc tế. Trong bối cảnh đó, lòng tin và đối thoại, điều mà CICA đang nỗ lực thúc đẩy, chính là chất xúc tác quan trọng, giúp các nước vượt qua sự khác biệt, xích lại gần nhau, vun đắp quan hệ, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng có lợi. Vì lẽ đó, tôi xin nêu 03 đề xuất sau:

Thứ nhất, CICA cần đề cao tinh thần hợp tác, hành động và trách nhiệm để kiến tạo môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển dựa trên tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.

Thứ hai, CICA cần tích cực tham gia định hình, dẫn dắt những xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ của một châu Á mới, bảo đảm quá trình phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, bao trùm sau đại dịch. Với tiềm năng, lợi thế của nhiều nền kinh tế lớn, mới nổi, các nước thành viên CICA cần ưu tiên mở rộng giao thương, đầu tư, kết nối hạ tầng số và logistics, các chuỗi cung ứng, tri thức, lao động và công nghệ để tạo động lực mới cho phát triển; phối hợp thực hiện tốt các mục tiêu chung của quốc tế, nhất là Chương trình nghị sự 2030
về phát triển bền vững, Thoả thuận Pa-ri và các cam kết về biến đổi khí hậu.

Thứ ba, CICA cần góp phần tăng cường tính bổ trợ, đan xen giữa các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và liên khu vực nhằm hình thành một mạng lưới đa phương rộng mở, đa trung tâm, đa tầng nấc. Ở khu vực Đông Nam Á, ASEAN đang phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực. Việt Nam tin tưởng rằng, những nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đó cũng là cách để đóng góp thiết thực vào mục tiêu, quan tâm chung của CICA.

Thưa Quý vị,

Việt Nam đang nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam sẵn sàng tham gia vào mọi nỗ lực đối thoại, phối hợp hành động và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia để góp phần kiến tạo hòa bình, chấm dứt các xung đột, tranh chấp; và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động của CICA vì tương lai của một Châu Á hoà bình và thịnh vượng.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Nguồn:VPCTN Copy link