|
  • :
  • :

Phát biểu của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào không liên kết

Từ ngày 19 - 20/1/2024 (giờ địa phương), tại Kampala (Cộng hòa Uganda), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể. Văn phòng Chủ tịch nước trân trọng giới thiệu Toàn văn Phát biểu của Phó Chủ tịch nước: 

 

Chú thích ảnh

 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào không liên kết. Ảnh: TTXVN

Thưa Ngài Chủ tịch Hội nghị,
Thưa các vị Trưởng đoàn,
Thưa Quý vị đại biểu, 

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi tới Hội nghị, tới các vị Trưởng đoàn và nhân dân các quốc gia thành viên Phong trào Không liên kết lời chào hữu nghị và đoàn kết. Tôi xin chúc mừng Azerbaijan đã hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch Không liên kết và hoan nghênh Uganda sẽ tiếp nối đảm nhiệm cương vị quan trọng này. Tin tưởng rằng, với sự chủ trì của Ngài Tổng thống Uganda, Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 sẽ thành công tốt đẹp. 
Thưa Quý vị,
Trong hơn sáu thập kỷ qua, Phong trào Không liên kết đã không ngừng phát triển, từ 25 thành viên ban đầu, đến nay đã có 120 thành viên, đại diện cho gần 60% dân số thế giới và chiếm khoảng 20% GDP toàn cầu. Dưới ngọn cờ Không liên kết, các nước đang phát triển đã đi đầu trong việc đề cao luật pháp quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải trừ quân bị, giảm bất bình đẳng trong các thể chế kinh tế, tài chính, đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu; không ngừng đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng và bình đẳng.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào Phong trào Không liên kết nhằm giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19, các cuộc khủng hoảng nhân đạo, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. 
Ở Đông Nam Á, Việt Nam đã cùng các quốc gia trong khu vực xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày một vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trong các liên kết khu vực khác. Những nỗ lực của ASEAN tại Đông Nam Á đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc hiện thực hoá các giá trị và nguyện vọng chung của Không liên kết về hội nhập, hoà bình, thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu.  
Thưa Quý vị,
Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song, đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, xung đột, cạnh tranh nước lớn, căng thẳng địa chính trị v.v... làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế, trong đó, nhiều nước Không liên kết đang rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng, chưa có hồi kết.
Bối cảnh đó đòi hỏi các quốc gia thành viên của Phong trào cần phối hợp chặt chẽ, chung tay bảo vệ những giá trị và thành tựu của Phong trào; tích cực“đưa hợp tác đi vào chiều sâu vì sự thịnh vượng toàn cầu”. Phong trào cũng cần định vị lại mình để duy trì sức sống mạnh mẽ, thực sự là một tập hợp lực lượng quan trọng và hiệu quả trong hành trình vượt qua những thách thức lớn của thời đại. 
Tại Hội nghị lần này, tôi xin nêu 03 đề xuất như sau:
Trước hết, tiếp tục phát huy tiếng nói mạnh mẽ hơn nhằm chống lại các hành động đi ngược với những nguyên tắc của Không liên kết, cũng là nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đó là: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ lập trường chung của Không liên kết đối với tình hình Palestine, như đã được phản ánh nhất quán tại tất cả các văn kiện của Hội nghị lần này. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương chống lại Cuba và các nước thành viên khác của Phong trào. 
Thứ hai, giữ vững tinh thần đoàn kết trong đa dạng, tôn trọng quan điểm, nhu cầu của các quốc gia thành viên về hoà bình, an ninh, ổn định của mỗi quốc gia và khu vực. Nhân đây, Việt Nam kêu gọi Phong trào Không liên kết tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN vì mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á; thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982. Điều này cũng phù hợp với những nguyên tắc nền tảng của Không liên kết. 
Thứ ba, tận dụng tốt hơn các cơ chế, diễn đàn Không liên kết để nâng cao tính độc lập, tự chủ về kinh tế cho các nước thành viên; thảo luận, phối hợp lập trường, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề quan tâm chung; thúc đẩy các cơ chế hợp tác như: hợp tác Nam – Nam, hợp tác liên quốc gia, liên khu vực v.v... đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Đồng thời, Phong trào cần tìm tiếng nói chung về những vấn đề quan trọng đối với các nước thành viên, trong đó có tăng cường tài chính cho phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Không liên kết cần thể hiện vai trò rõ nét hơn trong việc định hình thể chế quản trị toàn cầu, trước mắt là Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai năm 2024 . 
Thưa Quý vị,
Lịch sử hình thành và phát triển đã chứng minh tính đúng đắn, sức sống của Phong trào Không liên kết và tinh thần Băng-đung. Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực của các quốc gia thành viên, Phong trào sẽ tiếp tục phát triển, là tiếng nói dẫn dắt, hàn gắn trong một thế giới đang chia rẽ. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chung của Phong trào và của các quốc gia đang phát triển, vì sự tiến bộ của nhân loại, vì hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. 
Xin chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.

Nguồn:VPCTN Copy link