Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao giải cho các tác giả đạt giải Vàng. Ảnh Vân Anh/VPCTN
GTKTQG 2020 -2021 là giải thưởng lần thứ XIII, thu hút được 212 tác phẩm tham dự ở các thể loại Quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn; Thiết kế công trình; Thiết kế cảnh quan; Thiết kế nội thất; Bảo tồn di sản; Lý luận phê bình, phản biện kiến trúc.
GTKTQG là cơ sở để được Nhà nước xem xét, trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực Văn học nghệ thuật.
Đề cao tinh thần “Khai thác bản địa - Kết nối công nghệ”, GTKTQG 2020 – 2021 tôn vinh các tác phẩm và tác giả có nhiều sáng tạo kiến trúc theo hướng hiện đại nhưng vẫn gắn với bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền, tạo môi trường sống tốt nhất cho người dân, cho cộng đồng, thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đại dịch.
GTKTQG 2020 – 2021 đồng thời khuyến khích KTS ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trong thiết kế kiến trúc, phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ.
Hội đồng GTKTQG đã lựa chọn được 48 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, bao gồm 5 giải Vàng, 16 giải Bạc, 27 giải Đồng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao giải cho tác giả đạt giải Vàng. Ảnh Vân Anh/VPCTN
Ban tổ chức cũng đã trao Bằng chứng nhận Nhà đầu tư thông minh cho 3 chủ đầu tư sáng suốt chọn lựa những thiết kế xuất sắc để xây dựng. Đó là UBND tỉnh Bình Định - Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bình Định với dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định; FLC Gruop với dự án Coastal Hill; Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao với dự án Trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tại Hà Nội…
Nhận định về chất lượng GTKTQG lần này, TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng GTKTQG 2020 - 2021 cho biết: Diễn ra trong tình hình đại dịch Covid19 diễn biến phức tạp, Giải thưởng phải gia hạn liên tục thời gian nộp bài, nhưng bù lại về số lượng tác phẩm tham gia đã tăng 67% so với kỳ giải trước.
Các tác phẩm kiến trúc dự giải bao phủ rộng khắp các vùng miền trên cả nước với chất lượng được nâng cao.
Giải thưởng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc giàu bản sắc, tiếp biến hiện đại và hội nhập. Đây cũng là sự thể hiện trách nhiệm đối với nhân dân và xã hội, kể cả lớp người yếm thế, hay với các vùng nông thôn hẻo lánh, chậm phát triển đang khao khát đổi mới.
Tuy nhiên, Giải thưởng cũng còn một số tồn tại khá rõ như có ít tác phẩm quy hoạch phản ánh được sâu kỹ đòi hỏi thực tiễn phát triển; Chưa nhiều những loại nhà ở và công trình công cộng phục vụ được đa đối tượng; Thưa thớt thể loại công trình quy mô lớn cao tầng giao hòa tốt bản sắc và hiện đại; Vắng tác phẩm nội thất mang chất Việt Nam đậm đà…
GTKTQG 2020 – 2021 chưa có những tác phẩm nghiên cứu lý luận trở thành hành trang làm nghề và lay động cộng đồng; Kiến trúc công trình mang dấu ấn “hơi thở cuộc sống”, thích ứng điều kiện tự nhiên theo yêu cầu hiện tại và tương lai còn ít.
TS. KTS Phan Đăng Sơn nhận định: Dù còn thiếu sót, nhưng thành công của GTKTQG 2020 - 2021 đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: Dù trong hoàn cảnh nào, KTS Việt Nam vẫn đã và đang lao động sáng tạo, góp phần xây dựng nền văn hóa, nền kiến trúc dân tộc hiện đại giàu bản sắc, tạo dựng không gian sống an toàn, bền vững cho con người, cho cộng đồng.
Vân Anh/VPCTN