Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì Họp báo. Ảnh: VPCTN
Buổi sáng, Ban tổ chức buổi họp báo đã công bố 9 luật, gồm: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân sách nhà nước;
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho đội ngũ nhà giáo và thị trường lao động
Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều. Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Về những điểm mới, nổi bật, đối với đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trong toàn quốc, Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và công hiến với nghề. Đối với ngành Giáo dục, Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo; tạo cơ hội thuận lợi hơn cho ngành Giáo dục trong quản lý ngành và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tương tự, Luật Việc làm gồm 8 chương, 55 điều; đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế, tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Hai luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Bổ sung nhiều mặt hàng vào diện chịu thuế
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gồm 4 chương, 11 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. So với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2025 có nhiều điểm mới.
Về đối tượng chịu thuế, ngoài những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt kế thừa tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn quốc gia có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế; quy định điều hòa nhiệt độ công suất trên 24.000 đến 90.000 BTU (thay cho điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống) thuộc đối tượng chịu thuế; sửa đổi, bổ sung một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu, bia, ô tô, tàu bay... để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành.
Với 4 chương, 20 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2025, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đề khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định của pháp luật có liên quan, nhất là pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, công nghệ số...
Hoàn thiện quy định về quảng cáo; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo gồm 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026; được xây dựng trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với những vấn đề mới, biến động thường xuyên, chưa ổn định; hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đổi mới tư duy trong quan điểm, cách thức quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Các quy định mới quan trọng, mang tính đột phá trong Luật là đã bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; về từ ngữ tiếng Việt trong sản phẩm quảg cáo; yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và điều kiện quảng cáo; quảng cáo trên báo nói, báo hình, trên mạng, ngoài trời...
Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 59 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2025.
Về những nội dung đổi mới, phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; không có cụm từ "sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh" và "giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp" như Luật số 69/2014/QH13, nội hàm "quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" đã bao gồm nội dung về sử dụng, giám sát vốn nhà nước và đã kế thừa có chọn lọc các quy định của Luật số 69/2014/QH13.
Luật xác định rõ đối tượng áp dụng, trong đó bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp; tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ Ngân hàng chính sách (theo đó không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như Luật số 69/2014/QH13). Đồng thời, tại điều khoản thi hành có quy định tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được áp dụng Luật này để thực hiện việc quản lý và đầu tư vốn của tổ chức tại doanh nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, quản lý vốn của các tổ chức này...
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: VPCTN
Cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục
Luật Hóa chất gồm 7 chương, 48 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Luật có các nội dung mới liên quan đến xây dựng chính sách phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất... Luật Hóa chất được xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính; áp dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Cùng với đó, Luật Hóa chất đã bổ sung hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp phù hợp để không tạo khoảng trống trong quản lý và giảm thiểu khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Luật Hóa chất là bước cụ thể hóa quan trọng, kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất; đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 2 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật đã bám sát 4 chính sách về: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng...
Luật Ngân sách nhà nước gồm 7 chương, 79 điều; đã thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về ngân sách nhà nước; đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương; phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, gắn với quyền và trách nhiệm của từng cấp theo phương châm, cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp; cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục trong quy trình ngân sách nhà nước; thúc đẩy cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình.
Buổi chiều, Ban tổ chức đã công bố 9 luật, gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Đường sắt.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa
Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 6 chương, 51 điều. Việc xây dựng Luật nhằm hình thành hành lang pháp lý chuyên ngành, bảo đảm có chính sách ưu đãi đủ mạnh, vượt trội phát triển ngành công nghiệp công nghệ số - một trong những lĩnh vực công nghiệp đặc thù, nền tảng; đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược và một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có thế mạnh như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành một luật riêng về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Lần đầu tiên, các khái niệm mới như công nghệ số, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài sản số… được định danh trong một văn bản luật. Luật bao gồm đầy đủ quy định, ưu đãi, hỗ trợ cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật gồm 3 điều. Luật đã bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tạo nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, theo hướng đẩy mạnh hậu kiểm thay cho tiền kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đảm bảo sự tương thích giữa quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm 3 điều; đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các định hướng lớn như chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro; quy định rõ nguyên tắc quản lý chất lượng phù hợp với từng mức độ rủi ro; quy định giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hàng nhập khẩu; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng. Đáng chú ý, lần đầu tiên Luật xác lập khung pháp lý về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), là hệ sinh thái bao gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhân), kiểm tra và xây dựng chính sách. Đây là hạ tầng kỹ thuật của quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan kiểm tra chất lượng, hải quan, truy xuất nguồn gốc, phản ánh người tiêu dùng và cảnh báo quốc tế để nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo sớm.
Ba Luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Đột phá thể chế cho ngành đường sắt, năng lượng nguyên tử và khoa học công nghệ
Luật Đường sắt gồm 4 chương, 59 điều. Luật có những quy định mới, mang tính “đột phá” cho đầu tư phát triển đường sắt, trong đó đẩy mạnh phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng và từ Chính phủ, Bộ cho chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, đặc biệt là đường sắt địa phương.
Việc ban hành Luật Đường sắt nhằm để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là "bộ tứ chiến lược" nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghiệp và vận tải đường sắt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn đầu tư phát triển, kinh doanh vận tải đường sắt thời gian vừa qua.
Luật Năng lượng nguyên tử năm 2025 gồm 8 chương, 73 điều; bám sát 4 chính sách là thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân. Theo đó, Luật đã quy định về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; an toàn bức xạ, bảo vệ bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân; nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân; thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 7 chương, 73 điều; tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại. Đáng chú ý, Luật đã đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình, đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Đồng thời, xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ công nghệ chiến lược. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2025.
Hoàn thiện pháp luật về gìn giữ hòa bình, dữ liệu cá nhân và tổ chức tín dụng:
Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc gồm 5 chương, 27 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Luật quy định lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm: lực lượng vũ trang, lực lượng dân sự (là cán bộ, công chức, viên chức). Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Ngày 27/5 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng gồm 3 điều; được xây dựng và ban hành trên tinh thần bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển. Việc sửa đổi thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đảm bảo thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, góp phần giữ vững an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, Luật quy định về điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, để bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để cho Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các tổ chức tín dụng thông qua cho vay đặc biệt; quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; quy định về kê biên tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 5 chương, 39 điều; được xây dựng nhằm hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, Luật quy định chủ thể dữ liệu cá nhân có 6 quyền đối với dữ liệu cá nhân của mình trong đó có các quyền quan trọng trong xác lập căn cứ hợp pháp cho hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của các tổ chức, cá nhân có liên quan như: quyền được biết, quyền đồng ý hoặc không đồng ý, quyền rút lại sự đồng ý… Cùng với đó là quyền xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa, yêu cầu cung cấp, xóa, hạn chế xử lý, hay phản đối xử lý dữ liệu cá nhân. Khi quyền lợi bị xâm phạm chủ thể dữ liệu cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.